Tìm hiểu về văn bản thông tin
Câu 1: Khái niệm
Là loại văn bản nhằm mục đích cung cấp thông tin, dữ kiện, hoặc kiến thức về một chủ đề cụ thể. Nó thường được trình bày một cách rõ ràng, logic và có hệ thống giúp người đọc dễ dàng hiểu nội dung.
Câu 2. Văn bản thông tin gồm những loại nào?
.Báo cáo: Cung cấp tin tức hoặc phân tích về một sự kiện vấn đề
.Sách giáo khoa: Giải thích kiến thức trong các lĩnh vực khác nhau
.Bài nghiên cứu: Tổng hợp dữ liệu và thông tin từ các nghiên cứu khoa học
.Hướng dẫn sử dụng: Cung cấp cách sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ
.Tài liệu tham khảo: Từ điển, bách khoa toàn thư
Câu 3. Trong văn bản thông tin, nhan đề, đề mục, sơ đồ, bảng biểu, chữ in đậm, chữ in nghiêng có tác dụng gì?
-Giúp người đọc nắm bắt thông tin chính của văn bản một cách nhanh chóng
Câu 4. Nhan đề có tác dụng gì?
-Giới thiệu chủ đề của văn bản
Câu 5. Các đề mục có tác dụng gì?
-Tô đậm nội dung chính hoặc chỉ ra điểm bắt đầu của một chủ đề hoặc một mục mới.
Câu 6. Các chữ in nghiêng in đậm thường dược sử dụng để làm gì?
-Để nhấn mạnh những từ ngữ then chốt
Câu 7. Những phương tiện phi ngôn ngữ như sơ đồ, hình ảnh, bảng biểu có tác dụng gì?
-Có tác dụng trực quan hóa những thông tin quan trọng trong văn bản
– Giúp người đọc tiếp nhận và phân tích thông tin trực tiếp qua hình ảnh, sơ đồ, bảng biểu nhanh hơn, các nội dung nổi bật dễ theo dõi.
Câu 8. Bố cục của văn bản thông tin có đặc điểm gì?
-Bố cục mạch lạc, rõ ràng.
Câu 9. Nội dung của văn bản thông tin bao gồm những yếu tố nào?
-Chủ đề, các ý chính và ý phụ
Câu 10. Chủ đề là gì?
-Là vấn đề chủ yếu được đề cập trong văn bản thông tin, thường được diễn đạt bằng một từ hoặc cụm từ
Câu 11.Ý chính là gì?
-Ý chính: Là ý quan trọng nhất mà tác giả muốn nói về một chủ đề
-Ý chính thường đứng đầu hoặc cuối đoạn văn
-Đôi khi ý chính ẩn chìm trong văn bản, người đọc cần phải suy luận dựa vào những thông tin mà tác giả cung cấp.
Câu 12.Ý phụ là gì?
-Là các thông tin chi tiết nhằm bổ sung làm rõ cho ý chính
Câu 13. Việc nhận ra chủ đề, ý chính, ý phụ của văn bản có tác dụng gì?
-Nhằm giúp người đọc nắm được bố cục mạch lạc của văn bản, hiểu được bản chất của vấn đề được đề cập, nhờ vậy dễ dàng tiếp nhận và ghi nhớ thông tin.
Câu 13. Văn bản thông tin thường được trình bày theo những cách nào?
-Tổ chức theo trật tự thời gian.Tức là trình bày các sự kiện theo tiến trình trước sau mà chúng diễn ra
-Mô hình này thường được sử dụng trong văn bản lịch sử tự thuật, tiểu sử, hướng dẫn quy trình tiến hành một hoạt động.
-Dấu hiệu: Sử dụng các từ ngữ chỉ thời gian như: ngày, tháng, năm; các từ ngữ chỉ trình tự như: trước hết, tiếp theo, sau đó… Ví dụ: Vào ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
-Tổ chức thông tin theo trật tự nhân quả. Là dựa vào mối liên hệ giữa một sự kiện với nguyên nhân và kết quả của sự kiện đó
-Mô hình này thường được sử dụng trong các văn bản lịch sử, văn bản khoa học mô tả các hiện tượng tự nhiên
-Dấu hiệu: Sử dụng các từ chỉ quan hệ nhân quả như: bởi vì, cho nên, vì thế, do đó, nguên nhân là, kết quả là: Ví dụ: Bởi vì không tiêm phòng cho nên số người mắc bệnh cúm tăng cao trong thời gian gần đây.
-Trình bày thông tin theo tầm quan trọng của vấn đề
Sắp xếp các thông tin theo cách từ những thông tin quan trọng nhất đến những thông tin ít quan trọng hơn hoặc ngược lại
-Mô hình này thường được sử dụng trong các văn bản mô tả cấu trúc của một đối tượng hoặc phân tích một vấn đề, thực trạng
-Dấu hiệu: Sử dụng các từ ngữ chỉ thứ tự ưu tiên như: thứ nhất, thứ hai, thứ ba…
Ví dụ: Bạo lực học đường
Thứ nhất gây hậu quả nghiêm trọng cho bản thân, làm cho xã hội bất an
Thứ hai, nguyên nhân của bạo lực học đường. Do ý thức của bản thân, do sự quan tâm chưa sát sao của gia đình, do mức độ kỷ luật của nhà trường chưa đủ răn đe…
Thứ ba, giải pháp để giảm thiểu bạo lực học đường:Bản thân học sinh phải nâng cao nhận thức về hậu quả của bạo lực học đường. Gia đình cần có sự quan tâm, chia sẻ. Nhà trường cần tạo ra sân chơi bổ ích để giúp học sinh nâng cao nhận thức, giúp phát triển kĩ năng sống…
-Tổ chức thông tin theo quan hệ so sánh hoặc tương phản.
Là trình bày thông tin theo những đặc điểm tương đồng, khác biệt hoặc đối lập của hai hay nhiều đối tượng
Mô hình tổ chức này thường được sử dụng trong các văn bản khoa học.
Dấu hiệu: Thường sử dụng các từ ngữ: giống với, khác với, ngược lại, tương tự, như vậy, điểm chung, điểm khác biệt.
Ví dụ tương phản: Khí hậu miền Bắc Việt Nam có bốn mùa rõ rệt, trong khi miền Nam chỉ có hai mùa: mùa khô, mùa mưa.
Ví dụ so sánh: Số lượng đọc sách trung bình: Người Nhật đọc khoảng 20 cuốn sách mỗi năm, trong khi người Việt Nam chỉ đọc khoảng 4 cuốn, trong đó phần lớn là sách giáo khoa.
Câu 14. Văn bản thông tin có nội dung như thế nào?
-Nội dung khách quan, hạn chế tối đa việc thể hiện quan điểm, thái độ của tác giả
-Tuy nhiên có thể hiện gián tiếp quan điểm, thái độ của người viết thông qua cách tiếp cận, lý giải chủ đề, dựa vào giọng điệu hoặc cách sử dụng ngôn từ của tác giả.
Ví dụ: Mặc dù các biện pháp giảm ùn tắc đã được triển khai, tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm vẫn diễn ra thường xuyên tại các thành phố lớn. Thái độ của người viết: Bày tỏ sự chưa hài lòng với hiệu quả của các biện pháp giảm ùn tắc.
Câu 15. Ngôn ngữ của văn bản thông tin có đặc điểm gì?
-Tính chính xác
-Tính logic và mạch lạc
-Tính khách quan
-Tính rõ ràng
-Sử dụng từ chuyên ngành phù hợp
-Tính thực tiễn
-Ngôn ngữ đơn nghĩa tránh gây hiểu lầm.
(Thụy Liên)