Vẻ đẹp của tự sự và trữ tình trong “Miền cỏ thơm”
Vẻ đẹp của tự sự và trữ tình trong "Miền cỏ thơm"
Vẻ đẹp của tự sự và trữ tình trong ” Miền cỏ thơm”
Nhiều lần thức giấc trong mùi hương rạo rực của ban đêm, tôi chợt phát hiện ra rằng Huế là một thành phố được dành cho cỏ. Tôi không hề có ý xúc phạm, chỉ muốn lưu ý thêm về vai trò của cỏ trong quy hoạch đô thị. Thật vậy, không nơi nào trên thế giới mà những công trình kiến trúc của con người lại mọc lên giữa cỏ hoang như ở Huế. Đà Lạt cũng được xây dựng trên những ngọn đồi; nhưng ở đấy, hình tượng của cây anh đào và cây thông đã khiến người ta quên mất sự có mặt của cỏ dại.
[…]
Mùa xuân có thể định nghĩa là mùa mà toàn bộ cây nở thành hoa. Những ngọn đồi phía tây nam Huế bừng lên trong hương hoa cỏ, khiến người ta không thể ngồi yên cúi mặt lên trang sách. Hương cỏ tràn vào thành phố, như gần như xa, khiến tôi nghĩ rằng ở đâu đấy trên những sườn đồi, cánh cửa của vườn Địa Đàng đang mở ra, hoặc những nàng tiên đang múa hát dưới những gốc đào nở hoa, với mùi hương bát ngát như thể mùi tóc bay trong những chiều gió. Cỏ mọc ven những con đường trong thành phố, trên đó lưa thưa những chòm cây dại, như cây hoa ngũ sắc cười sặc sỡ dọc đường thơ ấu của tôi. Bay theo những bước chân lang thang của tôi là những con bướm, những cánh chuồn nghe ngày nắng lên tung tăng trong không gian, ghé cây này, vờn cây kia, trong một thành phố lúc nào cũng cổ xưa, văng vẳng điệu nhã nhạc của cung đình đã hoang phế. Đã nhiều năm, tôi chợt nhận ra rằng lũ chuồn chuồn, bươm bướm của tôi đã rời thành phố này mà đi đâu biệt tăm, chắc là chúng đã tìm đến một không gian khác yên tĩnh hơn, ít bị tiếng động làm choáng đầu hơn…
[…]
Mùa hạ, trong những khu vườn Huế, khí đất xông lên hùng mạnh, cỏ mọc xanh lạ thường. Trái cây sắp chín nằm chờ trên cành, và khắp đây đó trong vùng Kim Long, khói đốt cỏ tỏa ra mịt mùng xanh mờ một vùng ven sông. Trên một chiếc bình phong cổ khuất trong cây lá của một khu sân vắng vẻ còn dấu chạm lỗ chỗ của một câu đối nói đến những bầy chim nhạn thường về đậu kêu om sòm trên bãi sông Hương trước mặt nhà. Tôi lớn lên không hề thấy bóng chim nhạn ven sông này. Chắc cũng giống như lũ côn trùng kia, chúng đã di trú về một vùng đất nào yên tĩnh hơn. Nhưng liệu có nơi nào gọi là “yên tĩnh hơn” trên hành tinh này. Hình như càng ngày nó càng trở nên ồn ào hơn xưa; và đó cũng là lỗi của chúng ta đã tước đoạt “quyền yên tĩnh” của thế hệ trẻ ngày mai.
Mùa thu trời trở gió heo may lành lạnh làm người ta tự nhiên thấy nhớ nhung một quê hương nào không biết. Vào mùa này, các văn nhân thường mở hội leo núi, mang theo túi thơ bầu rượu lên các đỉnh núi cao mừng tiết “Trùng Cửu”. Núi đó có thể là núi Ngự Bình, núi Kim Phụng hoặc những rừng thông vùng đồi Thiên An, và văn nhân có thể là Bà Huyện Thanh Quan, Tuy Lý Vương, Hàn Mặc Tử. Những văn nhân ngồi uống rượu trên đầu núi,nghe tiếng chuông chùa thánh thót trên thành phố dầm mình trong sương khói; đi thăm núi trở về, băng qua sườn đồi, vó ngựa còn thơm nồng hương cỏ, gọi lũ bướm bay theo. Thơ Tuy Lý Vương nói: “Minh triêu sất mã sơn đầu quá – Ngọa thính tùng thanh ức ngã sầu” (Sáng mai ruổi ngựa lên đầu núi – nghe thông reo chợt nhớ ta buồn).
Một thứ hạnh phúc kéo dài trong nhiều năm tháng thật khó có ở đời; hạnh phúc chỉ tồn tại trong từng khoảnh khắc. Đó là khoảnh khắc mà ta nằm buông mình trên cỏ, ngửa mặt nhìn từng áng mây chẳng biết bay về đâu. Vâng, chính đó là những áng mây mà người đời Đường đã từng thấy: “Bạch vân vô tận thi” (Phau phau mây trắng ngàn năm vẫn còn).
[…]
(Trích Miền cỏ thơm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, in trong Ai đã đặt tên cho dòng sông – Tinh tuyển bút kí hay nhất, NXB Hôi nhà văn, Hà Nội, 2010)
Định hướng Dàn ý
I.Mở bài:
Nhắc đến Hoàng Phủ Ngọc Tường là nói đến một cây bút viết kí rất thành công với phong cách mê đắm tài hoa. Đoạn trích Miền cỏ thơm đã hấp dẫn người đọc bởi lối viết giàu hình ảnh và giàu tính biểu cảm. Với chủ đề vẻ đẹp đặc biệt của thành phố Huế, thể hiện niềm tự hào, tình yêu tha thiết với thiên nhiên và văn hóa xứ Huế của nhà văn.
II. Thân bài.
1.Đặc điểm của kí:
–Ghi chép một cách trung thực khách quan những điều nhà văn quan sát cảm nhận về cuộc sống xung quanh. Kí là thể loại văn xuôi tự sự phi hư cấu
2.Yếu tố tự sự: Đoạn văn kể lại những trải nghiệm cảm nhận của tác giả về Huế, về đặc điểm của cây cỏ qua các mùa.
Tác giả kể : Tôi chợt thức giấc, chợt phát hiện Huế là thành phố được giành cho cỏ
So sánh với Đà Lạt, trồng nhiều thông và cây anh đào
-Về mùa xuân: Huế bừng lên trong hương hoa cỏ. Hương cỏ tràn lên thành phố
Về mùa hạ, cỏ mọc xanh lạ thường, khói đốt cỏ tỏa ra mịt mùng xanh mờ một vùng ven sông
Về mùa thu, các văn nhân tài tử leo núi trở về vó ngựa còn thơm mùi cỏ.
Yếu tố tự sự được kể theo trình tự thời gian giúp người đọc hình dung được một cách rõ nét vẻ đẹp riêng của thành phố Huế. Mỗi mùa cỏ lại mang một nét riêng, nhưng đều toát lên một nét đẹp đầy sức sống và thanh khiết, thạnh sạch.
3.Yếu tố trữ tình.
Ngôn ngữ giàu hình ảnh và cảm xúc thể hiện tình cảm gắn bó sâu nặng với Huế.”hương cỏ tràn vào thành phố như gần như xa”. Có khi tác giả cảm nhận vẻ đẹp của cỏ như vườn Địa đàng. Đó là một hình ảnh so sánh độc đáo, đầy liên tưởng. mang đậm chất thơ, chất lãng mạn. Tác giả bộc lộ cảm xúc mãnh liệt trước vẻ đẹp thanh sạch, thánh thiện của cỏ. Chính hình ảnh cỏ khiến con người như được tắm mình trong một không gian nhẹ nhàng, thanh khiết sau những nhọc nhằn của cuộc sống vốn thô nhám, xô bồ.
Với tình yêu đắm say trước thiên nhiên xứ Huế, tác giả cảm nhận vẻ đẹp của sự yên tĩnh khác xa lối sống ồn ào náo nhiệt. Tác giả nhận ra lũ chuồn chuồn bươm bướm cũng bay đi để tìm nơi yên tĩnh, đó chính là sự thay đổi đáng tiếc từ lối sống hiện đại. Tác giả phê phán nhẹ nhàng đó là lỗi của người lớn đã làm mất đi “sự yên tĩnh” của tương lai thế hệ trẻ.Vì sự yên tĩnh là một vẻ đẹp ban sơ có sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên đem đến hạnh phúc cho con người nay đang dần bị đánh mất.
Với sự kết hợp yếu tố tự sự và trữ tình, bài tùy bút là một bức tranh đầy cảm xúc về thiên nhiên và con người xứ Huế
- Cái tôi của tác giả
Đó là cái tôi mê đắm, tài hoa.
- Nghệ thuật
Kết hợp tự sự và trữ tình tạo nên tính sinh động hấp dẫn
Ngôn ngữ giàu hình ảnh và cảm xúc
Liên tưởng phong phú, giàu chất triết lý
Câu văn mềm mại, uyển chuyển. Câu văn dài, giàu nhạc tính. Nhịp điệu chậm rãi, sâu lắng, phù hợp với nội dung hoài niệm và trữ tình.
III.Kết luận
Đoạn trích “miền cỏ thơm” với sự kết hợp yếu tố tự sự và trữ tình, ngôn ngữ giàu hình ảnh, giàu cảm xúc, tác giả tái hiện một không gian thiên nhiên thơ mộng và gửi gắm những suy tư, trăn trở về thời gian, kỷ niệm và sự đổi thay của cuộc sống. Đoạn trích in đậm dấu ấn cá nhân của tác giả với tình cảm say mê mãnh liệt, tình yêu sâu nặng với thành phố Huế đầy cây cỏ,thiên nhiên thơ mộng.
(Thụy Liên)