Phương pháp học văn

Văn bản kí, văn bản nghị luận, văn bản văn học- những điểm cần lưu ý

Văn bản kí, văn bản nghị luận, văn bản văn học- những điểm cần lưu ý

Văn bản kí, văn bản Nghị luận, văn bản Văn học- những điểm cần lưu ý

I. Văn bản Kí

Câu 1. Văn bản kí là gì?

là một thể loại văn học nằm giữa văn học và báo chí, chủ yếu thuộc văn xuôi tự sự nhằm tái hiện những trạng thái đời sống đang được xã hội quan tâm và bộc lộ trực tiếp những cảm nghĩ của tác giả.

Câu 2. Kí gồm có những tiểu loại nào?

Kí sự, phóng sự, nhật kí, hồi kí, bút kí, tùy bút, tản văn.

-Kí sự: Ghi chép lại sự kiện hoặc câu chuyện có thật, thường có yếu tố trữ tình và chính luận.

-Phóng sự: Tập trung vào sự thật xác thực, tái hiện hiện trường để người đọc quan sát và đánh giá

-Nhật kí: Ghi chép cá nhân về sự kiện, cảm xúc, suy nghĩ theo thời gian.

-Hồi kí: Ghi chép mang tính suy tưởng về quá khứ, gần như tự truyện

-Bút kí: Trung gian giữa kí sự và tùy bút, ghi lại cảnh vật hoặc sự kiện mà tác giả chứng kiến

-Tùy bút, tản văn.

Câu 3. Tùy bút

Tùy bút: Là một tiểu loại kí, ghi chép lại sự kiện, con người và cảnh vật theo cảm hứng cá nhân, không bị ràng buộc bởi cấu trúc chặt chẽ.

-Tùy bút có sự kết hợp giữa trữ tình, suy tưởng và triết lý

-Thể hiện cái tôi của tác giả một cách rõ nét

-Ngôn ngữ tùy bút giàu hình ảnh, giàu chất thơ.

-Tùy bút không nhất thiết phải có một cốt truyện cụ thể.

-Tự sự, miêu tả là cái cớ để nhà văn giãi bày cảm xúc, suy tư trữ tình.

Câu 4. Tản văn

Tản văn: Là một tiểu loại kí, thuộc thể loại văn xuôi ngắn gọn, hàm súc, có thể kế hợp yếu tố miêu tả, tự sự, nghị luận, trữ tình

Câu 5.Nội dung của tản văn đề cập vấn đề gì?

Nhằm thể hiện những rung cảm thẩm mĩ và quan sát tinh tế của tác giả về các đối tượng đa dạng trong đời sống

Câu 6. Cái tôi của tác giả trong tản văn

Cái tôi của tác giả hiện diện rõ nét, nhưng việc triển khai những liên hệ, suy tưởng phần nào tiết chế hơn so với tùy bút.

II. Văn bản nghị luận

Câu 1. Văn bản nghị luận là gì?

Văn bản nghị luận là một loại văn bản dùng đẻ trình bày, phân tích, đánh giá một vấn đề nhằm thuyết phục người đọc hoặc người nghe đồng tình với quan điểm của người viết.

 Câu 2. Mục đích của văn bản nghị luận

Văn bản nghị luận trong nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành hệ thống quan điểm, tư tưởng cho  học sinh trong việc xử lý các vấn đề đặt ra của cuộc sống một cách đúng đắn, vừa phù hợp với tinh thần thời đại mới, vừa đảm bảo tinh thần quốc gia, dân tộc.

 Câu 3. Đặc điểm của văn bản nghị luận

Văn nghị luận là văn bản được tạo ra từ phương thức lập luận, phản ánh những đặc điểm về mục đích và cách thức biểu đạt nghị luận

– Văn nghị luận vốn là sản phẩm của tư duy logic, vẻ đẹp của mỗi áng văn nghị luận không chỉ thể hiện ở hình thức lập luận phong phú, lí lẽ đanh thép, giọng điệu thuyết phục mà còn thể hiện thái độ của tác giả trước vấn đề nghị luận

Mỗi văn bản nghị luận đều phải có luận điểm, luận cứ và lập luận:

Câu 4. Luận đề là gì?

Là vấn đề trung tâm, vấn đề chính trong văn bản nghị luận.

Đặc điểm của luận đề:

-Có tính bao quát, thường là một vấn đề lớn. Ví dụ: Tình cảm gia đình, Tình yêu đất nước, Tình bạn, Tình yêu…

-Có tính xuyên suốt: Xuất hiện từ đầu đến cuối

-Là vấn đề cần được chứng minh, cần được bảo vệ bằng luận cứ, lập luận.

Câu 5.Luận điểm:

Là ý kiến thể hiện tư tưởng, quan điểm của bài văn được nêu ra dưới hình thức câu khẳng định hay phủ định,

Thường có các từ là, có, không thể, chẳng hạn…được diễn đạt dễ hiểu, sáng tỏ và nhất quán.

Luận điểm có vai trò thống nhất các đoạn văn thành một chỉnh thể. Để có sức thuyết phục, luận điểm cần phải đúng đắn, chân thực và đáp ứng nhu cầu thực tế.

Câu 6.Luận cứ

  • Luận cứ là những lí lẽ, dẫn chứng làm cơ sở cho luận điểm.
  • Lí lẽ là những đạo lí, lí lẽ phải được thừa nhận, nêu ra là được đồng tình.
  • Dẫn chứng là sự vật, sự việc, nhân chứng, bằng chứng để chứng minh làm sáng tỏ, xác nhận cho luận điểm.
  • Dẫn chứng đưa ra phải xác thực, tiêu biểu, đáng tin và không thể bác bỏ. Lí lẽ và dẫn chứng phải đáng tin cậy mới làm cho luận cứ vững chắc.
  • Luận cứ phải chân thực, đúng đắn, tiêu biểu mới làm cho luận điểm có sức thuyết phục.

 Câu 7. Lập luận

Là quá trình tư duy và trình bày ý kiến nhăm thuyết phục, chứng minh hoặc bảo vệ một quan điểm, một vấn đề cụ thể nào đó. Lập luận bao gồm các cách suy lý, quy nạp, diễn dịch, so sánh, phân tích, tổng hợp.

 Câu 8. Các phương pháp

-Phương pháp chứng minh:

Dùng dẫn chứng, số liệu kết hợp lí lẽ, lập luận để làm rõ vấn đề.Việc chứng minh giúp người đọc tin tưởng vào luận điểm mà mình đã nêu ra.

-Phương pháp phân tích:

Phân tích là chia nhỏ vấn đề xem xét từng khia cạnh để từ đó có cái nhìn khái quát về một vấn đề. Các biện pháp thường được sử dụng trong phương pháp phân tích gồm có: nêu giả thiết, đối chiếu, chứng minh,…

Phương pháp giải thích:

Là cách thức nói rõ ràng cụ thể về một vấn đề hay một khái niệm  nào đó giúp người đọc hiểu rõ hơn về vấn đề đó.

Phương pháp tổng hợp:

Nêu ra hàng loạt vấn đề sau đó tổng hợp và rút ra nhận xét chính xác và cụ thể nhất. Phương pháp này thường được đặt ở cuối bài viết nghị luận.

Câu 9.Cấu trúc của văn bản nghị luận

Gồm có Luận đề, luận điểm, luận cứ, luận chứng, lập luận.

Câu 10.Yếu tố bổ trợ trong văn bản nghị luận

Ngoài ra văn bản nghị luận có thể sử dụng các yếu tố bổ trợ như: thuyết minh, miêu tả, tự sự, biểu cảm để tăng sức thuyết phục.

III. Văn bản văn học

Câu 1. Văn bản văn học là gì?

Là loại văn bản được sáng tác nhằm mục đích nghệ thuật, thể hiện tư tưởng, tình cảm của tác giả qua ngôn ngữ giàu hình ảnh, cảm xúc và có giá trị thẩm mỹ

Câu 2. Văn bản văn học thường viết dưới dạng nào?

Thường được viết dưới dạng thơ, truyện, tiểu thuyết, kịch hoặc tùy bút.

Câu 3. Điểm nổi bật của văn bản văn học là gì?

Là khả năng khơi gợi  cảm xúc, suy nghĩ và sự đồng cảm của người đọc. Nó có thể phản ánh cuộc sống, con người hoặc gửi gắm những thông điệp sâu sắc

Câu 4. Có những thể loại văn học nào?

-Thơ: Thể hiện cảm xúc và suy nghĩ bằng ngôn ngữ cô đọng, hình ảnh giàu sức gợi. Có các thể loại thơ như: Lục bát, thơ tự do, thơ đường luật

-Truyện ngắn: Là tác phẩm có dung lượng ngắn, thường xoay quanh một sự kiện hoặc một nhân vật, với kết cấu chặt chẽ, có ý nghĩa sâu sắc.

-Tiểu thuyết: Là thể loại có dung lượng dài, có thể bao quát một câu chuyện rộng lớn với nhiều nhân vật, sự kiện, và ý tưởng đa dạng

-Kịch: Là thể loại dành cho biểu diễn trên sân khấu, có đối thoại giữa nhân vật và thường mang tính chất hành động trực tiếp.

-Tùy bút: Là thể loại ghi chép những cảm nhận suy nghĩ của tác giả về cuộc sống, con người, thiên nhiên một cách phóng khoáng, không gò bó.

-Truyện dân gian: Gồm các tác phẩm truyền miệng như truyện cổ tích, ca dao, tục ngữ, thần thoại, truyền thuyết.

Câu 4. Đặc trưng của văn bản văn học

  • Tính hình tượng: Văn bản văn học thường sử dụng hệ thống hình ảnh nghệ thuật để khơi gợi cảm xúc và liên tưởng trong tâm trí người đọc.
  • Tính biểu cảm: Nội dung văn bản văn học không chỉ truyền đạt thông tin mà còn thể hiện cảm xúc, tư tưởng của tác giả một cách tinh tế
  • Tính cá thể hóa: Mỗi văn bản văn học mang dấu ấn riêng của tác giả, thể hiện phong cách nghệ thuật độc đáo.
  • Tính thẩm mỹ: Ngôn ngữ trong văn học không chỉ nhằm giao tiếp mà còn được trau chuốt để taọ nên giá trị nghệ thuật.
  • Tính đa nghĩa: Văn học thường có nhiều tầng nghĩa khác nhau tùy vào cách cảm nhận của người đọc.

Câu 5. Đặc trưng của thơ trữ tình

-Tính cảm xúc: Thơ trữ tình thường bộc lộ trực tiếp những tâm trạng suy tư của tác giả, từ tình yêu, nỗi buồn, niềm vui đến khát vọng, hoài niệm.

-Tính chủ quan: Nội dung thơ trữ tình phản ánh thế giới nội tâm của người sáng tác, mang đậm dấu ấn cá nhân.

-Ngôn ngữ cô đọng, giàu hình ảnh

Sử dụng các biện pháp tu từ: Thơ trữ tình lời ít ý nhiều, thường sử dụng các biện pháp tu từ như ẩn dụ, so sánh, điệp từ, điệp ngữ, lặp cấu trúc, câu hỏi tu từ…tượng trưng để tăng sức gợi.

Nhịp điệu hài hòa, giàu nhạc tính: Câu thơ thường có nhịp điệu uyển chuyển, tạo sự du dương và dễ dàng chạm đến trái tim người đọc.

Đề tài gần gũi, sâu sắc: Thơ trữ tình thường khai thác những vấn đề mang tính phổ quát như tình yêu thiên nhiên, cuộc sống hoặc những suy ngẫm về thời gian và con người.

(Thụy Liên)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Back to top button