Nghị luận văn học

Cấu trúc đoạn và bài nghị luận văn học- Cách viết hiệu quả

Cấu trúc đoạn và bài nghị luận văn học- Cách viết hiệu quả

 Cấu trúc đoạn và bài nghị luận văn học- Cách viết hiệu quả

I. Những lỗi thường gặp khi viết đoạn hặc bài nghị luận văn học:

-Không xác định đúng nội dung

-Viết bài theo cảm tính, không theo dàn ý.

-Các luận điểm, luận cứ không rõ ràng

-Khi làm bài về tác phẩm truyện thường nhầm lẫn giữa tóm

tắt truyện và phân tích truyện.

-Khi viết bài nghị luận về thơ, không phân tích theo đặc trưng thể loại dẫn đến suy luận thiếu cơ sở.

II.Cấu trúc viết đoạn văn nghị luận văn học
1. Mở đoạn
2. Thân đoạn
3. Kết đoạn
4. Ví dụ minh họa

Viết đoạn văn 200 chữ phân tích đoạn “Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều”

THÚC SINH TỪ BIỆT THÚY KIỀU

Người lên ngựa kẻ chia bào,

Rừng phong, thu đã nhuốm màu quan san.

Dặm hồng bụi cuốn chinh an,

Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh.

Người về chiếc bóng năm canh,

Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.

Vầng trăng ai xẻ làm đôi,

Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường.

 

Cách viết đoạn chi tiết

Gồm có 3 thao tác sau:

1.Viết mở đoạn, nêu vị trí tác giả, tác phẩm, nội dung đoạn trích

  1. Phân tích những từ ngữ, hình ảnh, các biện pháp tu từ đê làm rõ nội dung của đoạn trích
  2. Tiểu kết: Nhắc lại những nét nghệ thuật chính và giá trị nội dung của đoạn trích, khẳng định tài năng, tấm lòng của tác giả.
  3.       +Lưu ý: Đoạn văn không phải là bài văn thu nhỏ, chỉ tập trung làm rõ vấn đề cốt lõi mà đề yêu cầu, từ đó triển khai một vài ý phụ

  Đoạn văn mẫu:

  1. Mở đoạn: Truyện Kiều là kiệt tác bất hủ của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Đoạn trích Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều là một trong những đoạn đặc sắc, thể hiện tình cảm và bi kịch của Thúy Kiều và Thúc Sinh. Lời từ biệt của Thúc Sinh chất chứa nỗi đau tiếc nuối.
  2. Thân đoạn: Hình ảnh Người lên ngựa/ kẻ chia bào, sử dụng điển cố “áo bào” thể hiện sự quyến luyến bịn rịn, trong không gian rừng núi nhuốm màu “quan san”- màu biên ải xa xôi cách trở. Hình ảnh người đi trên những “dặm hồng” là hình ảnh ước lệ tượng trưng cho sự mờ mịt xa xôi. với “bụi cuốn chinh an”, đó là hình ảnh khi Thúc Sinh rời đi bụi cuốn lên chỉ con đường gian lao vất vả. Kiều trông theo người ra đi “khuất mấy ngàn dâu xanh” không gian mênh mang rợn ngợp vì sự xa cách, Kiều vẫn mải trông theo vô vọng. Sử dụng nghệ thuật đối lập: Người về/ chiếc bóng năm canh. Kẻ đi muôn dặm/ một mình xa xôi. Cả hai đều mang tâm trạng buồn, cô đơn. Kiều trở về chăn đơn gối chiếc, Thúc Sinh mải miết trên dặm đường dài cũng cùng tâm trạng cô đơn lẻ loi. Hai câu cuối là hình ảnh ẩn dụ: Vầng trăng ai xẻ làm đôi/ Nửa in gối chiếc / nửa soi dặm trường, nhằm diễn tả sự chia li đầy oan nghiệt. Vầng trăng là biểu tượng của hạnh phúc tròn đầy, viên mãn. Động từ “xẻ” tạo sức mạnh của một thế lực tàn nhẫn chia cắt tình yêu, sự gắn bó giữa hai người. Cách dùng từ có hàm nghĩa tố cáo những định kiến xã hội, tố cáo mặt trái của xã hội với đầy những kẻ buôn thịt bán người.thâm độc bạc ác.
  3. Kết đoạn: Như vậy đoạn trích với thể thơ lục bát được sử dụng nhuần nhuyễn, ngôn ngữ trang trọng, sử dụng điển cố, nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm trạng bậc thầy, tác giả đã diễn tả thành công diễn biến tâm trạng nhân vật Thúy Kiều và Thúc Sinh trong hoàn cảnh chia ly. Diệp Tiếp từng khẳng định “thơ là tiếng lòng”, đoạn trích cho thấy tiếng lòng yêu thương đồng cảm sâu sắc của Nguyễn Du với số phận con người cùng tài năng sáng tạo nghệ thuật tài tình của ông.

II. Cấu trúc viết bài văn nghị luận văn học:
1. Mở bài
2.Thân bài
3. Kết bài.
4. Ví dụ minh họa:

Viết bài văn nghị luận văn học phân tích bài thơ “Cánh đồng” của Ngân Hoa.

Cánh đồng

(Ngân Hoa)

Những đoá cúc vừa hải về từ cánh đồng mùa xuân rộng lớn.

Toả sáng trên chiếc bình gốm sẫm màu

Chạm vào em một chiếc lá già nua, một nụ hoa bé bỏng, một hơi thở run run,một làn sương ẩm ướt

Chạm vào em một lảnh lót trong veo, một vang rền trầm đục, một nức nở âm u, một lặng câm rực rỡ…

Em chạy về với cánh đồng rộng lớn mùa xuân

Chân ngập trong đất mềm tơi xốp

Em gọi tên những loài hoa chưa kịp mọc

Em gọi tên những trái cây chưa kịp ra đời

Những trái cây đang ngủ trong hạt mầm vừa nứt

Đang ngủ trong đoá hoa nấp dưới đất cày.

Dưới lớp đất cày có những chiếc bình gốm

Chưa kịp thành hình chờ đợi các loài hoa.

Tháng 2/1995

(Ngân Hoa, Cánh đồng, NXB Văn học, Hà Nội, 1996, tr.49-50)

                                               Dàn ý chi tiết

I. Mở bài:

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm.

“Nhà thơ Raxun Gamzatop đã từng viết với lòng biết ơn “Thơ ca nếu không có người tôi đã mồ côi”. Thơ ca đã ra đời và song hành với nhân loại, như một phương tiện đắc lực và đầy xúc cảm, giúp con người bày tỏ nỗi niềm và đi sâu khám phá thế giới nội tâm phong phú, phức tạp và đầy bí ẩn.  Bài thơ Cánh đồng của nhà thơ Ngân Hoa đã in đậm dấu ấn trong trái tim người đọc về  vẻ đẹp bức tranh đồng quê cùng những tình cảm chân thành gắn bó sâu nặng của nhà thơ với quê hương.

II.Thân bài

-Phân tích, đánh giá mạch ý tưởng, cảm xúc của nhân vật trữ tình

Dẫn dắt:

“Thơ là kinh thánh của tâm hồn” (Thanh Thảo). Thơ là tiếng lòng của người nghệ sĩ cất lên trước cuộc đời. Những tình cảm của nhà thơ được bắt nguồn từ những rung cảm, sự suy tư của họ trước cuộc sống.Thơ thuộc phương thức trữ tình, lấy điểm tựa là sự bộc lộ thế giới nội cảm của nhà thơ, những rung động mãnh liệt của trái tim thi sĩ trước cuộc đời. Cảm xúc đóng vai trò quyết định, là nguồn cội của mọi sáng tạo nghệ thuật

Nhan đề: Nhan đề hé lộ nội dung chính và thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

Một nhan đề được đánh giá là hay sẽ tạo ấn tượng về hình thức, sâu sắc thú vị về nội dung. Nó được ví như gương mặt của một con người, nó là cái nổi bật nhất để phân biệt tác phẩm này với tác phẩm khác.

-Nhan đề có vai trò khái quát ở mức cao về nội dung tư tưởng của văn bản, của tác phẩm, phải nói được cô đọng cái “thần” cái “hồn” của tác phẩm.

– Nhan đề bài thơ Cánh đồng gợi ra những liên tưởng về cảnh đẹp của cánh đồng.gợi không gian làng quê yên bình.

Nhan đề ngắn gọn, hàm súc, là một sáng tạo của nhà thơ khi viết về mùa xuân.

+Phân tích tác phẩm:

-Dẫn dắt: “Mỗi tác phẩm nghệ thuật là một phát minh về  hình thức, một khám phá mới về nội dung” (Leonit Leonop).

Trước hết nói về mạch cảm xúc chúng ta hiểu thơ sinh ra từ tình cảm.  Đuybray nói“Thơ là người thư kí trung thành của những trái tim”. Nhân vật trữ tình là người trực tiếp cảm nhận và bày tỏ niềm rung động trong thơ trước một sự kiện.Tình cảm trong thơ không đơn thuần chỉ là những cảm xúc yêu ghét, giận hờn mà còn là cảm quan, cách đánh giá và cái nhìn của mỗi người vào cuộc sống. Đặc biệt hơn đối với người nghệ sĩ đó còn là nơi khởi sự, nơi xuất phát, là nền tảng để tạo nên cái gốc vững chắc cho một tác phẩm nghệ thuật của mình. Thơ mang trong mình cảm xúc tâm trạng của nhà thơ nhưng cũng mang ý nghĩa khái quát về con người về cuộc đời về nhân loại, đó là cầu nối dẫn đến sự đồng cảm giữa người với người trên khắp thế gian này. “Nghệ thuật chỉ làm nên câu thơ, trái tim mới làm nên thi sĩ.” (Nhà thơ Pháp Andre Chanier))

+Mạch cảm xúc: Là sự sắp xếp, tổ chức, thể hiện những cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ và trạng thái tâm lý của người viết trong bài thơ. Đây là yếu tố quan trọng tạo nên sức hấp dẫn và tác động của bài thơ đối với người đọc.

-Mạch cảm xúc giúp người viết truyền tải và tạo cảm xúc cho người đọc. Bằng việc chia sẻ tình cảm tác giả có thể khơi dậy sự đồng cảm và suy ngẫm từ phía người đọc

Mạch cảm xúc giúp tạo nên những hình ảnh mạnh mẽ, tươi sáng trong tâm trí người đọc, làm cho bài thơ trở nên sinh động.

-Mạch cảm xúc thể hiện qua hình ảnh, ngôn ngữ, nhịp điệu, ngữ điệu, độ dài câu thơ, các biện pháp tu từ.

-Mạch cảm xúc của bài thơ đi từ cảm xúc trước hình ảnh hoa cúc trong chiếc bình gốm đến khát khao giao cảm với thiên nhiên.

Những rung động, suy nghĩ của nhà thơ suy cho cùng là dư âm của những sự kiện, hiện tượng đời sống trong tâm hồn nhà thơ – chúng là đặc điểm cơ bản nhất của một tác  phẩm thơ.

Ngược lại mặc dù thể hiện thế giới chủ quan của con người nhưng tác phẩm trữ tình luôn chú trọng miêu tả những sự vật hiện tượng của đời sống khách quan bằng những  chi tiết chân thực, sống động.

+Phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật

– Cảm xúc của nhân vật trữ tình trước hình ảnh hoa cúc trong chiếc bình gốm

Hình ảnh thơ trong sáng, tiêu biểu cho vẻ đẹp của thiên nhiên: “đóa cúc“, “cánh đồng mùa xuân rộng lớn“, “chiếc bình gốm sẫm màu“, “chiếc là già nua”, “nụ hoa bé bỏng”, “làn sương ẩm ướt”.

Nghệ thuật điệp cấu trúc: “Chạm vào em một…một…”

-Tác dụng: Miêu tả đặc điểm của thiên nhiên đang tác động vào nhân vật trữ tình.

Ngôn ngữ thơ:  Sử dụng trường từ vựng gợi hình, gợi cảm: “rộng lớn”, “tỏa sáng“, “sẫm màu“, “già nua“, “bé bỏng“, “run run“, “ẩm ướt“, “lảnh lót“, “trong veo“, “nức nở“, “âm u“, “lặng câm“, “rực rỡ“.

Câu thơ dài ngắn đan xen nhau, có những câu được tổ chức dài như một câu văn thể hiện dòng chảy miên man của cảm xúc.

Nhịp điệu lúc nhanh lúc chậm, co duỗi phụ thuộc vào cảm xúc của nhân vật trữ tình “em”.

– Tác dụng: Miêu tả vẻ đẹp, sắc thái của sự vật trong mùa xuân, thể hiện sự quan sát tinh tế của tác giả trước cảnh vật mùa xuân.

– Hình ảnh thiên nhiên: “cánh đồng rộng lớn“, “đất mềm tơi xốp“, “trái cây đang ngủ“, “hạt mầm vừa nứt”, “đóa hoa nấp dưới đất cày“.

-Tác dụng: Diễn tả bức tranh thiên nhiên trong sáng, bao la, rộng lớn.

Điệp cấu trúc:

+ Cụm từ “Em gọi tên“=> Tác dụng: Nhấn mạnh sự chờ đợi, khao khát và nâng niu vẻ đẹp của thiên nhiên.

+ Cụm từ “Chưa kịp” => Tác dụng: Diễn tả sức sống của thiên nhiên, đang được ấp ủ dưới lòng đất.

– Từ ngữ giàu sức gợi hình gợi cảm: “rộng lớn“, “tơi xốp“.

+ Phân tích, đánh giá nét hấp dẫn riêng của bài thơ so với những sáng tác cùng đề tài, chủ đề, thể loại

So sánh với bài thơ “Mùa xuân chín” của Hàn Mặc Tử để thấy được nét độc đáo, hấp dẫn: Mùa xuân chín viết về cảnh đẹp mùa xuân ở thời kỳ sung sức, sung mãn, ở độ chín và thể hiện sự tiếc nuối lưu luyến khi mùa xuân sắp tàn.

Bài thơ cánh đồng thể hiện vẻ đẹp của thiên nhiên đang tiềm ẩn, gửi gắm khát khao giao cảm với thiên nhiên.

+ Đánh giá:

a. Nghệ thuật:

– Thể thơ tự do phóng khoáng

– Phương thức biểu cảm

– Sử dụng từ ngữ, hình ảnh vừa gần gũi quen thuộc vừa giàu sức gợi hình, gợi cảm

b. Nội dung:

– Miêu tả vẻ đẹp, sắc thái của sự vật trong mùa xuân, thể hiện sự quan sát tinh tế của tác giả trước cảnh vật mùa xuân.

– Khát khao giao cảm với thiên nhiên của nhân vật trữ tình

III. Kết bài:

– Khẳng định giá trị tư tưởng và giá trị thẩm mĩ của bài thơ, ý nghĩa của bài thơ.

Dẫn dắt:“Tác phẩm chân chính không kết thúc ở trang cuối cùng” (Aimatop)

 

Bài viết liên quan

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết bạn có thể quan tâm
Close
Back to top button